ĐỘT QUỴ VÀO MÙA ĐÔNG - NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH!

Đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trên toàn thế giới sau tim mạch và ung thư, ảnh hưởng đến 17 triệu người và gây ra 6,7 triệu ca tử vong mỗi năm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, mỗi năm nước ta có hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong.

Đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng khi trời trở lạnh bệnh có xu hướng gia tăng. Không chỉ người già mà ngay cả những người trẻ, nhất là những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường. Nếu phát hiện, phòng ngừa và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ được cứu sống và tránh những di chứng nặng nề.



3 yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ:

- Tuổi tác: Tuổi cao (khả năng bị đột quỵ gia tăng theo tuổi, đặc biệt ở người trên 60 tuổỉ), nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ cao hơn nữ giới.

- Bệnh mãn tính: Tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch (đặc biệt là rung nhĩ, bệnh mạch vành, bệnh van tim).

- Lối sống không lành mạnh: Lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động, stress, mất ngủ…

Bệnh có thể hồi phục được nhưng cũng gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng nặng nề tới tính mạng, chất lượng cuộc sống của người bệnh và cũng tạo thêm gánh nặng cho gia đình người bệnh, xã hội.
Do đó cần phát hiện sớm những dấu hiệu ban đầu của bệnh để có thể xử lý kịp thời cũng như dự phòng khởi phát bệnh hoặc tái phát.
Những dấu hiệu ban đầu cần nghĩ đến đột quỵ não: bệnh đột ngột, yếu nửa người hoặc méo miệng, nói khó, ăn uống rơi vãi, mất ngôn ngữ, rối loạn thị lực, đi lại mất thăng bằng, co giật, đau đầu hay chóng mặt dữ dội.
Hiện nay, để phổ cập các dấu hiệu của tai biến mạch máu não, các chuyên gia y tế lưu ý ghi nhớ “FAST” nhấn mạnh đến mức độ và là viết tắt của: Face (khuôn mặt), Arm (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian) giúp người thân nhận biết dấu hiệu của người bị đột quỵ.



Một số phương pháp dự phòng:
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Mỗi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và điều trị các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, thừa cân, béo phì…

Chủ động thay đổi lối sống:
-Xây dựng kế hoạch làm việc khoa học, tránh mất ngủ, căng thẳng, stress.
-Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý (hạn chế chất béo, ngọt, đường, bột, thức ăn nhiều mắm muối; nên ăn nhiều rau, củ, trái cây).
-Vận động thường xuyên (đi bộ, chạy bộ, đạp xe… 30 - 60 phút mỗi ngày, 4 - 5 lần/tuần).
- Hạn chế rượu bia, chất kích thích, không hút thuốc lá.
- Trong mùa đông, để phòng tránh đột quỵ (nhất là ở người già), không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi.

Và vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu đột quỵ là vấn đề thời gian, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt để tận dụng thời gian vàng (3 giờ đầu) của não, giúp khả năng hồi phục cao, hạn chế được nguy cơ tử vong.


TIÊU ĐIỂM
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 401
  • Trong tuần: 3 038
  • Tất cả: 741806

© Copyright 2015 - Bệnh viện Đa Khoa Bắc Quang                                 
Địa chỉ: Thị Trấn Việt Quang, Huyện Bắc Quang, Tỉnh Hà Giang
Email: tobientapbvbq@gmail.com
Đường dây nóng: 0916.351.966
Thiết kế bởi VNPT

 https://m.facebook.com/profile.php?id=331508757795328&ref=content_filter